Sáng 26/11/2024, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới” (ICCM 2024). Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế từ các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng cả trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã có nhiều tham luận, ý kiến sát thực tiễn mang đến những góc nhìn sâu sắc và đa dạng, chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm về phát triển thị trường văn hóa trong bối cảnh mới.
Trong đó, PGS, TS. Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện Trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo có 01 bài tham luận với chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hoá: tiếp cận từ quản lý các sản phẩm văn hoá”. Theo cô và nhóm nghiên cứu, công nghiệp văn hoá ngày càng thể hiện vị trí trọng tâm trong nền kinh tế hiện đại và tư duy chiến lược trong quá trình phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Tại các nước đang phát triển, chính phủ tích cực triển khai quản lý các sản phẩm văn hoá phối hợp cùng với các bên liên quan theo hướng ngày càng sáng tạo nhằm tăng cường đóng góp của ngành công nghiệp này trong nền kinh tế, đồng thời bảo tồn, sáng tạo và phát triển bền vững văn hoá địa phương, vùng miền và quốc gia. Bài nghiên cứu của nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu điền dã. PGS, TS. Trần Thị Ngọc Quyên cũng chia sẻ một số quan điểm và gợi ý chính sách phát triển các sản phẩm văn hoá dưới góc tiếp cận trong tổng thể quản lý thị trường văn hoá hướng đến phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam: chính sách quản lý; phát triển nhóm sản phẩm văn hoá, phát triển nguồn nhân lực tài năng và khuyến khích đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cũng trình bày các báo cáo tham luận, tiến hành thảo luận, trao đổi những vấn đề lý luận cơ bản như: Xây dựng chính sách, vai trò của khoa học và công nghệ, mối quan hệ hợp tác công – tư, cũng như các mô hình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo… Các tham luận cũng nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những yếu tố then chốt để thị trường văn hóa Việt Nam có thể bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu.