Ngày 13/11/2024 vừa qua, Viện Nghiên cứu Sáng tạo đã tổ chức thành công FICR – Coffee Talk 4 với chủ đề “Phát triển kinh tế bạc trên thế giới và bài học cho Việt Nam“.
Đến tham dự chương trình, về phía khách mời có PGS, TS Nguyễn Nam Phương – Nguyên Trưởng Bộ môn Dân số và phát triển, Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS, TS Bùi Thu Hương – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Về phía trường Đại học Ngoại thương có: PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo, PGS,TS Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo và các giảng viên, sinh viên đến từ nhiều chuyên ngành của trường Đại học Ngoại thương.
Mở đầu chương trình, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo đã giới thiệu khái quát về chủ đề Kinh tế bạc và gửi lời tri ân sự đóng góp chuyên môn quý giá từ các diễn giả. Tiếp đó, PGS, TS. Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo cũng chia sẻ mối quan tâm sâu sắc tới nền kinh tế bạc và nhấn mạnh rằng đây sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam trong vòng nửa thập kỷ tới.
Tiếp theo, người tham dự được lắng nghe phần chia sẻ của diễn giả Vân Nhi và Hà Phương với đề tài “Chính sách phát triển nền kinh tế bạc tại một số quốc gia châu Á”. Hai tác giả đã chỉ ra các chính sách để hỗ trợ và phát huy vai trò của người cao tuổi mà nhiều quốc gia châu Á đã triển khai như Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Từ cơ sở “phát triển kinh tế bạc là một hướng đi cần thiết và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và xã hội”, Việt Nam cần học hỏi, điều chỉnh và cải thiện chính sách để tạo ra một môi trường sống bền vững và thân thiện cho người cao tuổi. Qua góc độ chính sách, các diễn giả đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và có các chính sách hỗ trợ thiết thực để khuyến khích phát triển kinh tế bạc, bao gồm các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và thúc đẩy hợp tác với các tổ chức quốc tế. Đồng thời, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của kinh tế bạc cũng được xem là một bước đi cần thiết để thay đổi nhận thức xã hội về người cao tuổi, không chỉ xem họ như những người cần được hỗ trợ mà còn là những nhân tố quan trọng đóng góp vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Nam Phương tiếp tục làm nổi bật những thách thức cụ thể đối với Việt Nam, từ việc xây dựng hệ thống y tế bền vững và đủ khả năng cung cấp dịch vụ y tế toàn diện cho người cao tuổi, cho đến phát triển các chính sách hỗ trợ việc làm cho người lớn tuổi, giúp họ tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế. Diễn giả đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào công nghệ hỗ trợ, từ các thiết bị chăm sóc sức khỏe thông minh, nhà ở thông minh, đến các giải pháp kỹ thuật số giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe, độc lập và kết nối xã hội. Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc tạo ra các mô hình hợp tác giữa khu vực công và tư nhân nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi. Các chuyên gia cũng thảo luận về cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia vào thị trường này thông qua việc phát triển sản phẩm hướng đến khách hàng lớn tuổi, chẳng hạn như du lịch dành cho người cao tuổi, sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, dịch vụ chăm sóc tại nhà và các trung tâm cộng đồng thân thiện với người cao tuổi.
Sau những bức tranh toàn cảnh của phát triển kinh tế bác dưới góc nhìn khách quan, PGS, TS Bùi Thu Hương đã đem đến một khía cạnh rất độc đáo về các vấn đề mang tính xã hội, tâm lý và giới hoá nhu cầu, khó khăn của người cao tuổi. Với chuyên môn sâu rộng về xã hội học, cô đã gợi mở thêm những phương hướng phát triển của nền kinh tế bạc thông qua việc hiểu được tâm lý, mong muốn thực sự cũng như mục đích cốt lõi của việc tham gia vào nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế. PGS, TS Bùi Thu Hương đã kết thúc phần trình bày của mình bằng không khí sôi nổi, náo nhiệt của khán giả sau câu đố vui: “Hình ảnh người cao tuổi trong thành ngữ, tục ngữ và ca dao Việt Nam” mà cô dành cho các bạn sinh viên.
Buổi coffee talk đã khép lại sau phần trao đổi, thảo luận sôi nổi giữa các diễn giả, khách mời, các giảng viên và sinh viên tham dự. Kết thúc chương trình, PGS, TS. Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo tặng quà tri ân đến các diễn giả và một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các khách mời, giảng viên và sinh viên đã dành thời gian tham dự và đóng góp những ý kiến có giá trị cho Ban tổ chức chương trình.