Ngày 30/10/2024 vừa qua, Viện Nghiên cứu Sáng tạo đã tổ chức thành công FICR – Coffee Talk 3 với chủ đề “Chính sách phát triển công nghiệp văn hoá tại một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam”.
Đến tham dự chương trình, về phía khách mời có TS. Trần Thị Thuỷ – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu Văn hoá Lịch sử Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Proud Goats Entertainment JSC, Đạo diễn phim, Đạo diễn sự kiện, Người dẫn chương trình truyền hình; Ông Nguyễn Huy Biển – Nhà sáng lập, Giám đốc Thiết kế Công ty Cổ phần Vdesign R&D; Về phía trường Đại học Ngoại thương có: PGS, TS. Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo; TS. Hoàng Anh Duy – Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ, Viện VJCC; các giảng viên, sinh viên đến từ nhiều chuyên ngành của trường Đại học Ngoại thương.
Mở đầu chương trình, PGS, TS. Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo chia sẻ mối quan tâm sâu sắc tới ngành công nghiệp văn hoá, các xu hướng và tiềm năng phát triển của ngành, bởi đây là một trong những lĩnh vực nghiên cứu chính của cô trong nhiều năm trở lại đây.
Tiếp theo, người tham dự được lắng nghe phần chia sẻ của TS. Hoàng Anh Duy về ngành công nghiệp văn hoá của Hàn Quốc và Nhật Bản. Hàn Quốc là đất nước có chiến lược phát triển văn hóa trọng tâm dựa trên trụ cột chính: Nghệ thuật biểu diễn – điện ảnh – âm nhạc. Khác với các nước khác, Hàn Quốc đã phát triển văn hóa trước và kinh tế đi sau. Mỗi giai đoạn 5 – 10 năm, họ đưa ra một chiến dịch “Hàn Quốc sáng tạo” và triển khai rất nhiều trung tâm văn hóa sáng tạo ở các quốc gia (Ví dụ: KOCA Việt Nam). Đối với ngành công nghiệp văn hoá Nhật Bản có nhiều ưu điểm hay và giá trị mà các nước có thể học hỏi. Văn hoá Nhật Bản phát triển chính dựa vào manga, anime và ẩm thực. Điểm chung của Nhật Bản và Hàn Quốc đều có các chiến dịch văn hóa hàng năm, ví dụ như Hallyu của Hàn Quốc và Cool Japan của Nhật Bản. Về Việt Nam, từ 2018 đến nay, Việt Nam sửa đổi rất nhiều luật để phát triển văn hóa, điển hình luật điện ảnh, luật kiến trúc, luật sở hữu trí tuệ, luật quảng cáo… bên cạnh đó còn có nhiều triển lãm. Mục tiêu đến 2030, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Việt Nam thu hút doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia lĩnh vực hoạt động văn hóa. Chính vì vậy, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang có những bước đi phát triển nhất định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn đã có những chia sẻ về một số cách thức phát triển văn hóa tại Mỹ và Trung Quốc. Từ đó thấy rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa: thứ nhất, VN cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, cụ thể cần có máy móc và công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm văn hóa; thứ hai, VN cần chú trọng phát triển hạ tầng. Ngoài ra, VN có thể học hỏi chính sách xanh và bền vững, công nghệ và sáng tạo, giáo dục giải trí (edutainment), phát triển kinh tế địa phương, quản lý tài nguyên và môi trường… Tiếp đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm từ những chương trình ông đã xây dựng và triển lãm thị giác “Ngàn” sắp được tổ chức trong thời gian tới với hơn 100 tác phẩm nhiếp ảnh được in trên chất liệu giấy dó.
Diễn giả tiếp theo là TS. Trần Thị Thuỷ, trình bày về Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của Trung Quốc. Theo bà Thuỷ, nguyên nhân thúc đẩy ngành Công nghiệp văn hoá Trung Quốc phát triển là: (1) Nền tảng văn hóa, (2) Vai trò của thể chế, (3) Sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong phần chia sẻ của mình, bà cũng giới thiệu về cuốn sách do bà làm chủ biên sắp ra mắt, với tựa đề “Chọn cho hay chọn bỏ – Thị trường văn hoá Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hoá”.
Buổi Coffee Talk khép lại sau phần trao đổi, thảo luận sôi nổi giữa các diễn giả, khách mời, các giảng viên và sinh viên tham dự. Kết thúc chương trình, PGS, TS. Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo tặng quà tri ân đến các diễn giả và gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các khách mời, giảng viên và sinh viên đã dành thời gian tham dự và đóng góp những ý kiến có giá trị cho Ban tổ chức chương trình.