HỘI THẢO KHOA HỌC “PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM”

Ngày 06/06/2024, Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (KT&KDQT), Trường ĐH Ngoại thương đã chủ trì tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn uy tín để các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra trong mọi mặt của nền kinh tế – xã hội.
Tham dự Hội thảo về phía khách mời có TS Phùng Quốc Chí – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS, TS Nguyễn Văn Thạo – Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương; Ông Vũ Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, TP. Hải Phòng; Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý Trung ương; Ông Đặng Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Tổng thư ký CLB Nhà Lãnh đạo Quản lý Thông tin truyền thông Việt Nam; Ông Nguyễn Bình Minh – Trưởng Ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; Bà Trần Thị Bảo Quế – Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội, Thành viên Hội đồng Viện KT&KDQT; TS Bùi Quang Tuyến – Giám đốc Học viện Viettel. Hội thảo còn sự hiện diện của các lãnh đạo nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học trên cả nước cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương – Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam – Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS, TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện KT&KDQT; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; cùng Trưởng, Phó một số đơn vị trong trường, các cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh kinh tế số và xã hội số đã và đang trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trên toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ của các công nghệ tiên tiến đang thay đổi mạnh mẽ cách thức doanh nghiệp vận hành và tương tác với khách hàng cũng như cách thức quản lý của Nhà nước. Các quốc gia cũng như doanh nghiệp trên thế giới đang nỗ lực thích ứng, khai thác tối đa tiềm năng công nghệ số để nâng cao hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị mới, và hướng tới sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. PGS, TS Phạm Thu Hương cho biết trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, xã hội số, trường ĐH Ngoại thương với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đã và đang không ngừng nỗ lực để tích hợp các yếu tố của kinh tế số, xã hội số vào chương trình đào tạo và nghiên cứu. Cụ thể, với các chương trình đào tạo, nhà trường đã xây dựng và phát triển một số môn học mới liên quan đến kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, Big Data; xây dựng các phòng học thực hành, tăng cường kết nối với doanh nghiệp/tổ chức trong quá trình giảng dạy. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường thúc đẩy mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu về chuyển đổi số, tác động của công nghệ số đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Thêm vào đó, Nhà trường luôn khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo, các chương trình khởi nghiệp. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, Cô cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài trường đã gửi bài viết về Hội thảo. PGS, TS Phạm Thu Hương cũng gửi lời cảm ơn tới các vị diễn giả tham gia trình bày tham luận và phát biểu trao đổi tại Hội thảo, đồng thời cảm ơn Viện KT&KDQT là đơn vị đầu mối của nhà trường đã tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa thiết thực này.
Hội thảo khoa học được tổ chức thành 2 phần. Ở phần 1, các diễn giả đã trình bày các tham luận về các chủ đề liên quan đến quản lý nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế số – xã hội số; một số vấn đề về cải cách cơ cấu kinh tế để phát triển kinh tế số ở Việt Nam; mô hình chuyển đổi số hiệu quả tại một số doanh nghiệp điển hình. Cụ thể, Hội thảo đã lắng nghe 5 tham luận gồm: “Chính phủ số thúc đẩy phát triển kinh tế số – xã hội số: Góc nhìn từ quá trình xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” của TS. Phùng Quốc Chí – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát triển kinh tế số ngành Công thương” của TS. Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương; “Cải cách cơ cấu để phát triển kinh tế số ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; “Chuyển đổi số hiệu quả – thực tiễn tại Học viện Viettel” của TS. Bùi Quang Tuyến – Giám đốc Học viện Viettel; “Phát triển công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế số tại Việt Nam” của PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương.
Trong phần 2 của Hội thảo, dưới sự chủ trì của PGS, TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện KT&KDQT; PGS, TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Bộ môn Marketing và Truyền thông, Viện KT&KDQT và TS Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý, Viện KT&KDQT, Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến trao đổi từ ông Vũ Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông, TP. Hải Phòng; Ông Phan Nam Long – Giám đốc và người sáng lập Công ty TNHH Abivin Việt Nam; Ông Đặng Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt nam VDCA; Ông Nguyễn Bình Minh – Trưởng Ban Phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; Ông Đặng Quang Vinh – Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Văn Thạo – Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau thảo luận cụ thể hơn về các xu hướng phát triển của kinh tế số, xã hội số trên toàn cầu và tại Việt Nam; những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt; một số kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp đã thành công trong việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện KT&KDQT đã khẳng định các bài tham luận cũng như ý kiến đóng góp cho Hội thảo sẽ là các luận cứ quan trọng để đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm đưa hoạt động kinh tế số – xã hội số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Cuối cùng cô cũng gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả các quý vị lãnh đạo, diễn giả, khách mời, giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã dành thời gian tham dự và đóng góp những ý kiến có giá trị cả về lý luận và thực tiễn cho Hội thảo.

Tin tức khác

COFFEE TALK 2: “PHÁT TRIỂN KINH TẾ SÁNG TẠO: XU HƯỚNG VÀ KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆT NAM”

Ngày 16/08/2024, Viện Nghiên cứu sáng tạo (FICR) đã tổ chức thành công FICR - COFFEE TALK 2 với chủ đề “Phát triển kinh...

TỌA ĐÀM KHOA HỌC “ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM”

Ngày 08/08/2024 vừa qua, Viện Nghiên cứu sáng tạo - Trường Đại học Ngoại Thương đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học...

PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo làm diễn giả tại Hội thảo khoa học “Chủ động vận...

Ngày 06/08/2024, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ động vận dụng và ứng...

THƯ MỜI THAM DỰ TOẠ ĐÀM KHOA HỌC “ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC...

Nhằm triển khai hoạt động của giai đoạn 2024 – 2025, Viện Nghiên cứu sáng tạo tổ chức toạ đàm khoa học: “Ứng dụng...