PGS, TS TRẦN THỊ NGỌC QUYÊN – PHÓ VIỆN TRƯỞNG, VIỆN NGHIÊN CỨU SÁNG TẠO THAM GIA HỘI THẢO KHOA HỌC “GIÀ HÓA DÂN SỐ Ở VIỆT NAM – THỰC TRẠNG, XU HƯỚNG VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH”

Ngày 10/04/2024, tại thành phố Ninh Bình, Tỉnh ủy Ninh Bình, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam – Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”.
Dự Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; PGS, TS Lê Hải Bình – Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản; các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; các cơ quan, doanh nghiệp và 60 chuyên gia, nhà khoa học.
Hội thảo thu hút 82 bài viết thuộc bốn chủ đề chính: (1) Một số vấn đề chung về già hoá dân số; (2) Thực trạng già hoá dân số nhanh ở Việt Nam và một số chính sách, giải pháp; (3) Vấn đề già hoá dân số và kinh nghiệm ứng phó của một số nước trên thế giới; (4) Dự báo xu hướng và khuyến nghị chính sách thích ứng bối cảnh già hoá dân số nhanh ở Việt Nam.
Trong đó, PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng – Viện Nghiên cứu sáng tạo, Đại học Ngoại thương cùng cộng sự đã đóng góp 01 bài nghiên cứu với chủ đề: “Chính sách phát triển nền kinh tế bạc tại một số quốc gia châu Á: Bài học cho Việt Nam”. Bài viết tập trung phân tích một số chính sách đặc thù trên thế giới, với kinh nghiệm tại một số quốc gia châu Á có những tương đồng nhất định đối với Việt Nam. Có thể thấy rằng, các quốc gia đều có cách tiếp cận tổng thể phát triển kinh tế bạc với nhóm chính sách phục vụ các đối tượng khách hàng là người cao tuổi và huy động nguồn nhân lực cao tuổi kinh tế: các chính sách tổng thể như chính sách an sinh xã hội bền vững, chính sách phát triển một số vùng, ngành kinh tế thực sự là những kinh nghiệm giá trị cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo và các học giả đã có những chia sẻ giá trị về tư duy, cách tiếp cận với người cao tuổi trong nền kinh tế bạc; chiến lược thích ứng tích cực; các chính sách cần lồng ghép với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển KH-CN, chiến lược phát triển đào tạo… Một số giải pháp nổi bật được nêu ra tại Hội thảo như: đầu tư giới trẻ, tiếp tục học tập suốt đời, thúc đẩy bình đẳng giới, mở rộng bao phủ chính sách người cao tuổi, tiếp tục đổi mới an sinh xã hội, tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy hợp tác công tư PPP & ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó các chính sách cần tập trung tính năng lực cơ quan kinh tế công, cộng đồng, xã hội. Người cao tuổi cần được yêu thương quan tâm từ gia đình, hỗ trợ của doanh nghiệp và định hướng của Chính phủ.
Tổng kết và bế mạc hội thảo, PGS, TS Lê Hải Bình đánh giá cao các ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của các đại biểu. Tất cả các ý kiến đã được trao đổi tại hội thảo cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả xã hội đến vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay. Các ý kiến đã tập trung vào bốn vấn đề căn cốt, trọng tâm: (1) Vai trò của người cao tuổi ở Việt Nam; (2) Già hóa dân số là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng ở đất nước ta có những đặc thù riêng; (3) Đảng ta luôn khẳng định người cao tuổi là thành tố quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sức mạnh nhân dân, là những người đi đầu trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đóng vai trò thiết yếu trong việc phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, là nguồn lực hết sức quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; (4) Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh nghiệm ứng phó chính sách đối với vấn đề già hoá dân số của các nước đi trước rất có ý nghĩa cho các nước đi sau tham khảo.

Tin tức khác

FICR – COFFEE TALK 3: CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC...

Ngày 30/10/2024 vừa qua, Viện Nghiên cứu Sáng tạo đã tổ chức thành công FICR - Coffee Talk 3 với chủ đề “Chính sách...

Lớp tập huấn “Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tại Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm”

Ngày 25/10/2024 vừa qua. Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Cơ sở Quảng Ninh - Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp cùng Cục...

Viện Nghiên cứu sáng tạo có 02 bài nghiên cứu tại hội thảo quốc tế về “Economic & Public Governance”

Ngày 22/10/2024 vừa qua, Đại học Meiji và Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo quốc tế...

PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên nhận Giải thưởng Phản biện nhiệt huyết do Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế trao...

Ngày 23/09/2024, Trường Đại học Ngoại thương long trọng tổ chức Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí 2024 và Lễ công bố Tạp...